10/01/2024 16:29        

Bài tuyên truyền tháng 01/2024

9 KỸ NĂNG GIÚP TRẺ TỰ TIN, MẠNH DẠN TRƯỚC ĐÁM ĐÔNG

1. Trò chuyện cùng trẻ: Tập thói quen trò chuyện cùng với trẻ hàng ngày, đồng thời trong quá trình trò chuyện hãy để trẻ có quyền có tiếng nói. Nên khuyến khích trẻ chủ động bày tỏ những quan điểm, ý kiến riêng của mình. Mặt khác, bên cạnh những câu hỏi vặn vẹo của mình thì bạn hãy tạo động lực cho trẻ đưa ra những câu phản biện, tranh luận với lý lẽ, dẫn chứng để thuyết phục

2. Dạy trẻ cách tự lập: Hãy để trẻ tự làm việc nhà như nấu cơm, rửa bát, quét nhà… giúp cha mẹ hay để trẻ tự vệ sinh cá nhân, thay quần áo và chuẩn bị sách vở đi học. Hãy để cho trẻ có quyền được tự quyết định chọn đồ gì, mặc quần áo gì.

Bên cạnh đó, hãy để trẻ thể hiện sự tự tin của mình trước đám đông bằng những việc làm nhỏ nhặt nhất như: Để trẻ gọi món ăn trong nhà hàng khi đi ăn cùng cha mẹ hoặc để trẻ xếp hàng mua vé tham quan…

3. Cho trẻ chơi với các bạn khác: Việc chơi với các bạn cùng lứa tuổi sẽ khiến trẻ có cảm giác an toàn, không còn nhút nhát, sợ sệt. Khi chơi cùng các bạn, trẻ sẽ tự tin nói ra những suy nghĩ, ý kiến của mình mà không sợ bị sai hay bị la mắng..

4. Tạo cơ hội cho trẻ thể hiện: Để trẻ có cơ hội để thể hiện chính mình bằng cách gợi ý cho trẻ hướng dẫn em nhỏ học bài hoặc giải một bài toán khó giúp em nhỏ. Khi trẻ giảng được bài cho em thì đó chính là kỹ năng nói trước đám đông để thuyết phục người khác. Ngoài ra, bạn cũng có thể tạo cơ hội thử sức cho con bằng việc cho trẻ đi học ở các lớp học kỹ năng sống, lớp hát, múa

5. Quan tâm, chăm chút đến ngoại hình của trẻ.: Cũng giống như người lớn, những đứa trẻ sẽ cảm thấy tự tin hơn nếu trông mình có vẻ ngoài thu hút. Do đó hãy chăm chút ngoại hình của trẻ bằng cách cho con một chế độ dinh dưỡng và tập luyện tốt nhất để bé có thể có được những nền tảng tự tin.

Ngoài ra, để trẻ tự tin vào bản thân, mạnh dạn và thoải mái trình bày những ý tưởng, chính kiến của mình thì rất cần những khuyến khích, khen ngợi, động viên của cha mẹ dành cho con khi con còn bé. Không nên so sánh, quát nạt trẻ trước mặt những người bạn của con.

6. Dạy con biết lắng nghe: Trước khi trẻ có thể là người nói tốt thì trẻ nhất thiết phải là người nghe tốt đã. cha mẹ hãy hướng dẫn con cách đừng vội cắt ngang lời người khác mà phải luôn lắng nghe một cách lịch sự, luôn quan sát thái độ của người khác, chờ đến lượt mình mới trình bày ý kiến.

7. Chia sẻ những “thất bại” của trẻ: Có những đứa trẻ rất thoải mái trước áp lực đám đông, nhưng cũng có những đứa trẻ đột nhiên rơi vào trạng thái đứng như trời trồng, chẳng biết nói gì, biểu diễn vụng về, nói năng lắp bắp dù trước đó đã được tập luyện nhiều lần. Những lúc này trẻ đang rất mất tự tin. Bạn nên thể hiện sự chia sẻ thật chân thành để giúp bé vượt qua, khiến bé không sợ hãi khi lần sau lại đứng trước đám đông như thế nữa.

8. Tạo dựng cho con “giá trị bên trong”: Một đứa trẻ không thể nói tốt trước đám đông nếu như trẻ chẳng biết nói gì. Nội lực bên trong của trẻ chính là thứ bạn cần vun đắp cho con từ từ, qua nhiều ngày nhiều tháng trong chính gia đình. Ví dụ như bạn có thể kể cho con nghe nhiều câu chuyện, hướng dẫn trẻ đọc các loại sách phù hợp độ tuổi, xem những bộ phim nội dung bổ ích…

9. Đừng ép buộc trẻ: Hãy nhớ rằng tất cả những rèn luyện này chỉ mang tính bước đầu, để tạo dựng nền tảng cho con về sau. Do đó, cần để trẻ làm tất cả trong trạng thái thoải mái nhất mà trẻ muốn. Nếu có một đám đông nào đó trẻ cảm thấy xa lạ, không muốn xuất hiện chẳng hạn, bạn đừng ra sức ép con.

                                                                        Hiệu trưởng                                                                                        Phó hiệu trưởng

 

 

                                                                  Trương Thị Thu Thủy                                                                      Trần Thụy Hoàng Liên

 
Video